SÁNG TẠO VÀ ỨNG DỤNG TRONG THIẾT KẾ BAO BÌ

Tư duy thiết kế và ứng dụng trong cuộc sống thường là hai mặt đối lập của một vấn đề, khi các designer thường sáng tạo bằng trái tim, còn các nhà bao bì lại tư duy thực tế bằng cái đầu lạnh. Dù phương pháp rất khác nhau, nhưng họ đều muốn tìm ra tiếng nói chung để tạo nên những bao bì độc đáo, bắt mắt nhưng không kém phần hữu dụng.

Trong thực tế, mọi sáng tạo đều bắt đầu từ ý tưởng. Ý tưởng sẽ biến giấc mơ thành hiện thực thông qua một Quy trình thực hiện, đó là hành trình được vạch ra dựa vào phương án thực tế nhất để đạt được mục tiêu ban đầu: Mới, lạ, độc, khả thi, dễ chấp nhận và hữu ích cho thương hiệu.

Ưu tiên tính linh hoạt

Bí quyết thành công trong thiết kế bao bì đó là kết hợp tốt màu sắc, kiểu dáng và chất liệu để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Ngoài ra, để có thể phù hợp với tiêu chí “ứng dụng”, trước khi lên ý tưởng thiết kế, hãy bắt đầu bằng việc nắm rõ thị trường mục tiêu. Kiến thức chuẩn xác về thị trường sẽ giúp bạn đưa ra những quyết định cuối cùng về thiết kế hoàn thiện.

Không gian (space) là một yếu tố rất quan trọng trong thiết kế, nó là ngữ cảnh truyền đạt thông điệp của sản phẩm. Để có thể giao tiếp hiệu quả với khách hàng, ta cần sử dụng cả không gian tích cực và tiêu cực. Một designer thành công là người có thể dẫn dắt sự chú ý của người dùng đến những điểm nhấn có chủ ý.

Không gian cũng quyết định số lượng thông tin. Nếu sản phẩm của bạn lớn, bạn sẽ có cơ hội thêm vào nhiều thông tin như đặc tính hoặc tiện ích sản phẩm. Nếu sản phẩm khá nhỏ, cần cân nhắc kỹ khi chọn lọc thông tin cần thiết.

Màu sắc là yếu tố khơi gợi cảm hứng nơi khách hàng. Tuy nhiên, cần xem xét những yếu tố khác như môi trường văn hoá và khả năng lĩnh hội, bởi chúng có thể ảnh hưởng đến tác động của màu sắc. Đặc điểm mắt người thường thấy những màu tối trước màu sáng. Bên cạnh đó, mỗi màu sắc lại có những đặc điểm riêng nên sử dụng màu sắc rõ ràng, hiệu quả sẽ giúp người tiêu dùng cảm nhận tốt hơn về sản phẩm.

Khi thiết kế bao bì, bạn không nên chỉ chăm chăm về sản phẩm hay các lợi ích mà sản phẩm mang lại, mà cần thể hiện thêm tầm nhìn của công ty và những giá trị mà công ty đại diện.

Khâu thành phẩm cũng rất quan trọng. Cần trao đổi với nhà sản xuất bao bì để đảm bảo các yêu cầu thiết kế như cấn, bế, sử dụng chất liệu hoặc hình dáng bao bì đặc biệt có thể được thực hiện một cách hoàn hảo và đúng như mục tiêu ban đầu đã đề ra.

Tất cả những yếu tố trên chỉ khả thi khi được sử dụng cân đối, sản phẩm hoàn thiện sẽ bắt mắt về mặt thị giác trong giới hạn cho phép. Nếu đặt tính kết nối lên trên sáng tạo, thiết kế của bạn sẽ trở thành một thiết kế “tĩnh” (static design). Bên cạnh đó, sử dụng đồng dạng hình ảnh/yếu tố thiết kế trên khắp bao bì sẽ mang lại sự hoà hợp về mặt ý tưởng.

Dễ sử dụng

Để thiết kế hữu dụng với người dùng, hãy xem xét mục tiêu cuối cùng của sản phẩm, và các bước khách hàng thực hiện từ khi thấy sản phẩm đến khi sử dụng nó. Ví dụ, nếu thiết kế đèn bàn, hãy xem xét lúc bật đèn lên: ánh sáng sẽ phản chiếu như thế nào, và loại phòng nào sẽ hợp với đèn này. Tất nhiên, thiết kế của đèn phải vững chắc và phù hợp với các thiết bị nội thất khác, nhưng hãy sáng tạo trong lựa chọn chất liệu. Sau đó, màu sắc, hình dáng và chất liệu sẽ quyết định lựa chọn của khách hàng.

Thông thường khách hàng sẽ quyết định mua 1 sản phẩm chỉ trong 4 giây, chủ yếu dựa vào bao bì của sản phẩm. Hãy tuân thủ quy tắc thiết kế chân phương: để tên thương hiệu nổi bật, kèm theo giải thích công dụng của sản phẩm thật rõ ràng. Nếu khách hàng cảm thấy bối rối, họ sẽ chọn sản phẩm của những hãng khác.

Bên cạnh đó, khi thiết kế bao bì, cần lưu tâm đến 2 tính chất là tính chân thật trong nội dung và tính tiện ích. Hình ảnh minh hoạ và thông điệp cần đi liền với thực tế sản phẩm, nếu không khách hàng sẽ cảm thấy như bị lừa và họ sẽ không bao giờ mua sản phẩm của bạn lần nữa.

Bao bì phải dễ dàng sử dụng, mang đi hoặc cất giữ. Một thiết kế càng tiện lợi thì doanh thu càng cao