HỘI THẢO GÓP Ý XÂY DỰNG KHUNG CHƯƠNG TRÌNH VÀ GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY CHƯƠNG TRÌNH OCOP GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Tổng quan và Bàn chủ trì Hội thảo 

Ngày 27/4/2021, tại TP Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đã diễn ra Hội thảo góp ý xây dựng khung chương trình và giải pháp thúc đẩy chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức.

Bà Lê Thị Thêm - Phó chủ tịch hội doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Ninh, giám đốc công ty TNHH đầu tư Hoàng Anh cùng các đại biểu tham dự hội thảo

Tham dự hội thảo có ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn,  ông Nguyễn Minh Tiến - Chánh văn phòng điều phối NTM Trung ương; ông Nguyễn Lưu Trung - Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cùng 400 đại biểu trên cả nước.

Ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu định hướng Hội thảo, Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu hội thảo xoay quanh những góp ý như: vấn đề đặt ra hiện nay, chương trình OCOP phải là phát triển theo hướng OCOP xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với bảo vệ môi trường, sản phẩm sạch… nên chăng chúng ta cần có những trung tâm bàn về xã hội hóa, để là nơi tập huấn, thiết kế, đào tạo, nơi trao đổi, học tập kinh nghiệm, chúng tôi cũng có dự kiến thành lập 4 trung tâm, thiết kế sáng tạo: như Hà Nôi, Quảng Ninh, Huế, hoặc ĐB Sông Cửu Long. Bên cạnh đó, du lịch cộng đồng, tới đây sẽ có 5 sao thì vấn đề đào tạo về du lịch cộng đồng cần phải có chương trình đào tạo, phải có bộ tài liệu phục vụ cho các mô hình homestay, trang trại, quy chế hướng dẫn cho những đối tượng này như thế nào…

Trong giai đoạn tiếp 2021 - 2025, vấn đề cơ chế chính sách và kiểm soát được chất lượng các sản phẩm cần được quan tâm và đẩy  mạnh. Đối với TW, bảy Bộ ngành tham gia phục vụ chuyên ngành đều được tham gia vào như vậy vấn đề chất lượng được kiểm soát cao. Vấn đề xúc tiến thương mại đến giờ nay đã có rất nhiều cửa hàng bán sản phẩm OCOP, Hà Nội đã có tuyến phố đi bộ để phát triển sản phẩm OCOP không những bán và tiêu thụ nội tỉnh mà còn bán cho các khu vực khác như: ĐB Sông Hồng, ĐB sông Cửu Long… Nhiều đơn vị, cửa hàng đã bán sản phẩm OCOP. Phải chăng đến lúc chúng ta cần đi sâu vào vấn đề đào tạo, phát triển thiết kế mẫu mã sản phẩm, để khách du lịch người tiêu dùng cảm nhận yêu mến sản phẩm. 

Ông Nguyễn Minh Tiến - Chánh văn phòng Điều phối NTM Trung ương tại Hội thảo

Ông Nguyễn Minh Tiến - Chánh văn phòng Điều phối NTM Trung ương cho biết: Sau một thời gian triển khai, chương trình OCOP đã tác động đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, chương trình đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP như: các làng nghề truyền thống ở ĐB Sông Hồng…Đã có hơn 145 sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý, như: chè Shan Tuyết Hoàng Su Phì của tỉnh Hà Giang; chè Tân Cương của tỉnh Thái Nguyên; cà phê của tỉnh Sơn La, lúa gạo ở tỉnh Sóc Trăng và tỉnh An Giang…  Từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, đặc biệt là gắn với vai trò của các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chương trình OCOP đã góp phần tạo việc làm cho lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt là phát huy vai trò của phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số. Điển hình như, các chủ thể OCOP của tỉnh Quảng Ninh đã tạo việc làm cho trên 3.800 lao động trực tiếp; các chủ thể OCOP của tỉnh Hà Tĩnh tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 2.196 lao động

Tuy nhiên, chương trình vẫn còn một số hạn chế như: Chương trình OCOP là một chương trình mới, liên quan đến nhiều lĩnh vực, đặc biệt là yêu cầu khơi dậy tiềm năng, lợi thế của các địa phương để phát triển kinh tế nông thôn, do đó giai đoạn đầu triển khai, một số địa phương còn nhiều lúng túng trong cách làm, xác định lợi thế, tiềm năng và chủ thể sản xuất, mới chỉ tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, chưa quan tâm phát triển sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là các làng nghề truyền thống. Nguồn lực triển khai còn hạn chế, chủ yếu là lồng ghép, trong khi một số cơ chế hỗ trợ chưa được cụ thể hóa, chưa chú trọng đến phát triển chuỗi giá trị, vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến…dẫn đến những khó khăn trong quá trình triển khai ở một số địa phương. Nhiều chủ thể chưa hiểu rõ về định hướng, yêu cầu của hương trình đưa ra.  Đặc biệt là các quy định của pháp luật trong sản xuất và phân phối sản phẩm, do đó còn nhầm lẫn giữa chất lượng sản phẩm với bao bì và nhãn mác.

Tại hội nghị, những gợi mở, định hướng xây dựng Trung tâm thiết kế sáng tạo gắn với phát triển sản phẩm OCOP, tư vấn phát triển sản phẩm OCOP trên quan điểm phát triển chuỗi giá trị được TS Đào Đức Huấn trình bày; gồm: Tư vấn nhận dạng nguồn lực; Tư vấn xây dựng cơ cấu của tổ chức/nhóm/HTX, cơ sở sản xuất, tư vấn phát triển sản phẩm, tư vấn hoàn thiện phát triển bao bì, mẫu mã, tư vấn xây dựng và phát triển thương hiệu, tư vấn nghiên cứu, phát triển thị trường, tư vấn truy xuất nguồn gốc phát triển sản phẩm…

Những ý kiến góp ý tại hội thảo lần này giúp bộ hoàn thiện nội dung khung chương trình và giải pháp phát triển sản phẩm OCOP trong giai đoạn 2021-2025.

Trong giai đoạn 2018-2020, cả nước có 4.733 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các cơ quan Trung ương, địa phương tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại kết nối cung cầu, phát triển mạng lưới bán hàng các sản phẩm OCOP.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến tổng kinh phí thực hiện chương trình OCOP khoảng 57.000 tỉ đồng. Trong đó, chương trình phấn đấu có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, có ít nhất 50% làng nghề nông thôn có sản phẩm OCOP góp phần bảo tồn phát triển làng nghề truyền thống của các địa phương; tỉ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 30%...

Dựa trên các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay, bộ sẽ tiếp thu và xây dựng đề án để sớm trình Chính phủ. Trong đó, khẳng định đề án giai đoạn 2021-2025 khác với đề án 2018-2020, tập trung vào nâng cao chất lượng của chương trình OCOP chứ không phải quay lại như lúc đầu và phải đảm bảo được nhiều nội dung hôm nay đại biểu đã đóng góp.

Một số hình ảnh tại hội thảo