HỘI NGHỊ ĐÁNH GIÁ PHÂN HẠNG SẢN PHẨM OCOP TỈNH HÒA BÌNH NĂM 2021

Chiều 17/12, Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2021. Dự hội nghị có các đồng chí: Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng chủ trì hội nghị. Đến dự hội nghị còn có bà Lê Thị Thêm - GĐ công ty TNHH đầu tư Hoàng Anh đơn vị tư vấn chương trình OCOP tỉnh Hòa Bình cùng các thành viên trong ban hội đồng đánh giá và các chủ cơ sở có sản phẩm đi thi. 

 Năm nay, toàn tỉnh có 32 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của 28 chủ thể, gồm: 19 HTX, 3 doanh nghiệp, 1 tổ hợp tác và 5 hộ có đăng ký kinh doanh. Các sản phẩm thuộc nhóm ngành: Thực phẩm 21 sản phẩm; đồ uống 1; thảo dược 6; thủ công mỹ nghệ, trang trí 2; vải, may mặc 1; dịch vụ du lịch nông thôn; bán hàng 1.

 Tại hội nghị đánh giá, các thành viên hội đồng đã thảo luận, xem xét, đóng góp ý kiến cho cho từng sản phẩm về tên thương hiệu, mẫu mã bao bì, thông tin trên bao bì sản phẩm, vùng nguyên liệu, quy mô sản xuất… Tất cả chủ thể có sản phẩm tham gia đánh giá đã làm rõ, bổ sung các tiêu chí. Việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được các thành viên Hội đồng thực hiện nghiêm túc, chính xác, đúng với yêu cầu đề ra. Hội đồng đã thống nhất phân hạng 31 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên, trong đó, 27 sản phẩm 3 sao, 4 sản phẩm 4 sao.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 của các địa phương và chủ thể tham gia Chương trình OCOP năm nay. Đồng chí nhấn mạnh: Tất cả sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP năm nay là những sản phẩm đặc trung, tiêu biểu và chứa đựng những nét văn hóa, tập quán, thế mạnh của từng địa phương, đều đủ điều kiện tham gia đánh giá, có khả năng mở rộng, liên kết để mở rộng quy mô. So với những năm trước, năm nay, các địa phương đã có kinh nghiệm trong triển khai, hướng dẫn chủ thể hoàn thiện hồ sơ và các tiêu chí đánh giá. Chủ thể có sự đầu tư trong khâu thiết kế, trình bày mẫu mã bao bì sản phẩm; quan tâm tới mở rộng vùng nguyên liệu, quy mô sản xuất…

Trong thời gian tới, các địa phương và chủ thể có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh cần tiếp tục nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, chủ thể cần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP qua các kênh thương mại điện tử. Sau hội nghị, Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp tỉnh sẽ trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh năm 2021.

Một số hình ảnh tại buổi hội nghị: