Cần có khung chính sách phù hợp việc sử dụng nguồn vốn sự nghiệp phát triển du lịch nông thôn cho giai đoạn 2021 – 2025

LNV - Ngày 18/12, tại Ninh Bình, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới đã tổ chức Hội thảo “định hướng sử dụng nguồn vốn sự nghiệp để hỗ trợ phát triển du lịch nông thôn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM". Ông Nguyễn Minh Tiến – Chánh văn phòng Điều phối NTM Trung ương cùng ông Nguyễn Quý Phương – Vụ trưởng Vụ lữ hành tổng cục du lịch chủ trì.

Bàn chủ trì Hội thảo

Tại hội thảo, Ông Nguyễn Minh Tiến – Chánh văn phòng Điều phối NTM Trung ương nhấn mạnh, việc phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp và mục tiêu xây dựng ngành du lịch Việt Nam thành ngành mũi nhọn toàn quốc. Trong số các chuyên đề, chương trình du lịch nông thôn là một trong những chương trình chuyên đề quan trong của nông thôn mới 2021 – 2025. Hiện, các địa phương đã có nhiều mô hình du lịch nhưng mang tính tự phát nhưng trên cở sở vận động. Trên cơ sở dự thảo du lịch, một số chính sách được đưa ra như: hỗ trợ nhà lưu trú homestay, dịch vụ du lịch nông thôn, chương trình tập huấn đào tạo…Vì thế chúng ta cần có làm rõ những nội dung để có khung chính sách phù hợp cho giai đoạn 2021 – 2025. 

Phát triển du lịch nông thôn trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được xác định là một trong những động lực đem lại việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường. 
 

 Ông Nguyễn Minh Tiến – Chánh văn phòng Điều phối NTM Trung ương phát biểu tại hội thảo

Theo đó, trong 3 năm từ 2019 đến 2021, Bộ NN-PTNT đã giao cho Văn phòng điều phối NTM Trung ương cùng các đơn vị trực thuộc Bộ phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), đặc biệt là Tổng cục Du lịch, Cục Văn hóa cơ sở triển khai, tổ chức các Hội thảo, Diễn đàn, các đoàn đi thực tế tại các địa phương có tiềm năng về du lịch nông thôn để cùng các đơn vị tư vấn xây dựng dự thảo nội dung về du lịch nông thôn.

Trên cơ sở đó, Bộ NN-PTNT cùng Bộ VH-TT&DL đã báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng một chương trình về du lịch nông thôn trong Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025.

Tại cuộc họp đại diện Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT) đã trình bày Dự thảo Chương trình phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025 đưa ra quan điểm phát triển du lịch nông thôn bền vững, bao trùm, đa giá trị, qua đó khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa và tự nhiên đặc sắc của từng vùng, miền gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Mục tiêu chính là phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa, môi trường sinh thái ở các địa phương nhằm nâng cao đời sống vật chất của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hương tích hợp đa giá trị. Cần thực hiện các giải pháp như: (i) rà soát hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển du lịch nông thôn; (ii) Huy động nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn; (iii) phát triển nguồn nhân lực du lịch, (vi) thúc đẩy chuyển đổi số, quảng bá trong du lịch nông thôn. Qua đó tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển du lịch. 

Dự thảo cho biết Chương trình sẽ được triển khai trên địa bàn khu vực nông thôn cả nước, tập trung tại các điểm du lịch nông thôn do cộng đồng địa phương tổ chức, quản lý hoặc có sự tham gia của cộng đồng trong giai đoạn 2022 - 2025.

Chương trình sẽ có 4 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về du lịch nông thôn trong xây dựng NTM; Nâng cấp, đầu tư các điểm đến du lịch gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM; Phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền; Xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn.

Làm thế nào để kéo được đầu tư tư nhân vào du lịch nông thôn, các dự án lĩnh vực kinh tế tư nhân tiếp cận rất khó, tuy nhiên có cách nào đó chúng ta cần kêu gọi lĩnh vực đầu tư tư nhân vào du lịch nông thôn. Nhưng nếu chúng ta có biện pháp nào đó để các đơn vị đưa ra được bài toán đầu tư, thì chương trình sẽ thu hút được nhiều nguồn vốn hơn. Đó là ý kiến ông Lê Bá Ngọc - chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. 
 

 Ông Nguyễn Quý Phương (đứng) cho rằng Chúng ta cần có khung tổng thể chung trong việc phát triển du lịch nông thôn

Cần phát huy giá trị chương trình mỗi xã một sản phẩm, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Cần tách rõ vốn sự nghiệp với vốn đầu tư phát triển. Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch - Bộ VH-TT&DL) nhấn mạnh đồng thời cho biết việc phát triển, đẩy mạnh yếu tố du lịch trong ngành nông nghiệp được đánh giá là rất quan trọng. Thế nhưng cho đến nay chúng ta vẫn chưa thể gắn du lịch vào trong nông nghiệp để tạo ra ngành du lịch nông thôn.

Chúng ta cần có khung tổng thể chung trong việc phát triển du lịch nông thôn vì có địa phương xây dựng điểm đến, có địa phương tập trung hỗ trợ cho bà con. Thực tế thời gian vừa qua chúng ta đã thực hiện một số mô hình nhưng thực sự nó còn tản mác, chưa có quy chuẩn. Thực tế hiện nay, về phát triển du lịch các điểm đến hiện nay cơ bản là phát triển sản phẩm du lịch nông thôn. Mục tiêu chính của chúng ta cần huy động vốn doanh nghiệp tư nhân, nâng cao chất lượng sản phẩm. 

“Chúng tôi không gọi là ‘du lịch cộng đồng’ mà phải là ‘du lịch nông thôn’ vì yếu tố nông thôn mang tính bao quát hơn cả. Trong nông thôn có cả cộng đồng, có cả nông nghiệp, rồi các mô hình homestay hay farmstay…”, ông Nguyễn Quý Phương nêu vấn đề.
Một số quan điểm khác đưa ra tại hội nghị như cần có nhóm tư vấn có tính chất liên ngành; cần một khung cơ chế phù hợp không phải cho Trung ương mà cho các địa phương triển khai hỗ trợ người dân, lực lượng lao động... 

Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Minh Tiến – Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới cho biết: Thời gian vừa qua cả hai bộ Bộ NN-PTNT cùng Bộ VH-TT&DL đã cùng song hành trong quá trình triển khai từ dự thảo đề án đến chương trình. Chúng ta đã thấy được rằng việc phát triển du lịch nông thôn đến thời điểm này là con đường tất yếu vì sự cần thiết, nhu cầu. Đặc biệt suốt những năm vừa qua trên cơ sở chương trình nông thôn mới phát triển, cùng với đó nó làm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân trong xây dựng NTM. Mục tiêu cuối cùng du lịch nông thôn góp phần xây dựng chương trình NTM bền vững hơn, làm cho đời sống người dân nâng cao đúng với chủ trương Bộ Nông Nghiệp đưa ra hướng tới kinh tế nông nghiệp, đa giá trị. 

Nguồn:langngheviet.com.vn